Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa BMJ, đã phát hiện thay thế tinh bột tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau là cách độc đáo để người tuổi trung niên trở lên giảm cân hiệu quả.
Cô Anne Danahy, chuyên gia dinh dưỡng ở Mỹ, cho biết: Khi đến tuổi trung niên, hầu hết mọi người, nhất là phụ nữ, sẽ bị kháng insulin ở một mức độ nào đó, điều này thúc đẩy tích trữ mỡ và khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn. Ngay cả khi không ăn quá nhiều calo, chế độ ăn nhiều tinh bột tinh chế và đường có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin và thúc đẩy tăng cân, theo chuyên trang y khoa Medical News Today.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học từ ĐH Harvard và các trường đại học nổi tiếng của Mỹ đã sử dụng dữ liệu của 136.432 người từ trung niên đến 65 tuổi, để kiểm tra ảnh hưởng của loại tinh bột tiêu thụ đối với việc tăng cân trong khoảng thời gian 4 năm, được theo dõi trong 24 năm.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trung bình, những người tham gia tăng 1,5 kg cứ sau 4 năm, nghĩa là trong 24 năm tăng khoảng 9 kg.
Kết quả đã phát hiện ra rằng tăng lượng tinh bột tinh chế, đường và các loại rau chứa tinh bột như đậu Hà Lan, bắp, khoai tây làm tăng cân nhiều hơn trong suốt tuổi trung niên.
Ngược lại, tăng lượng chất xơ, tinh bột từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và các loại rau không chứa tinh bột như bông cải xanh, cà rốt và rau bó xôi, dẫn đến ít tăng cân nhất.
Các phân tích sâu hơn đã phát hiện thay thế tinh bột tinh chế, rau có tinh bột và đồ ngọt bằng ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau không chứa tinh bột dẫn đến ít tăng cân hơn. Đặc biệt, cách này hiệu quả rõ nhất ở người thừa cân và phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ làm nổi bật tầm quan trọng của chất lượng và loại tinh bột trong việc kiểm soát cân nặng lâu dài, đặc biệt ở những người thừa cân.
Chế độ ăn kiêng cho tuổi trung niên
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ – bác sĩ Walter Willett, giáo sư dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H Chan, khuyên người tuổi trung niên nên đưa các thứ sau vào chế độ ăn của mình:
- Ngũ cốc nguyên hạt: Gồm gạo đen, gạo lứt, gạo chưa loại bỏ lớp cám, yến mạch, bánh mì đen, mì sợi làm từ bột mì đen.
- Rau không chứa tinh bột: Gồm atisô, măng tây, giá, bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, cần tây, dưa chuột, cà tím, nấm, hành tây, ớt chuông, xà lách, rau bó xôi, cà chua, củ cải, bí đao…
Hạn chế tinh bột tinh chế: Bao gồm cơm trắng, bánh mì trắng, mì sợi thông thường và các thực phẩm được làm bằng bột mì trắng, bao gồm bánh quy, bánh ngọt, ngũ cốc ăn sáng và và đồ ăn nhẹ. - Tránh các loại rau củ có tinh bột: Bao gồm các loại đậu, bí đỏ, bắp, các loại khoai.
- Tránh đường và đồ ngọt;
Theo Báo Thanh Niên